Sáng 28/5, tại Nhà khách Quân khu 3 (Hải Phòng), Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc Unicef tại Việt Nam tổ chức chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày vệ sinh kinh nguyệt thế giới “Biến điều khó nói thành điều bình thường” năm 2024.
Dự chương trình có bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; bà Lesley Millier, Phó Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc Unicef; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể, giáo viên, phụ huynh và đông đảo học sinh trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Chương trình được kết nối trực tuyến tới hơn 300 điểm cầu ở các tỉnh/thành phố trên cả nước.
Chương trình được thực hiện theo Kế hoạch hoạt động phối hợp giữa Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm quốc gia Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn và Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc Unicef trong khuôn khổ Dự án “Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn bền vững và giảm nhẹ rủi ro thiên tai vì sự phát triển của trẻ em”. Sự kiện có ý nghĩa đặc biệt hướng tới Ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6), Ngày toàn thế giới phòng chống lao động trẻ em (12/6), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) nhằm nâng cao nhận thức và sự quan tâm đến trẻ em và các vấn đề liên quan đến vệ sinh cá nhân, vệ sinh kinh nguyệt - một khía cạnh quan trọng của sức khỏe, quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái, ảnh hưởng trực tiếp tới hơn một nửa dân số thế giới mỗi tháng, nhưng lại thường bị bỏ qua hoặc không được xem trọng.
Kết quả khảo sát đầu vào năm 2020 cho thấy có tới 37,6% học sinh thiếu kiến thức và trên 40% học sinh nữ chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề vệ sinh kinh nguyệt. Cũng theo kết quả khảo sát này, 46,5% phụ huynh chỉ có kiến thức ở mức trung bình về vấn đề vốn được xem là nhạy cảm khó nói này. Thực tế, trẻ em gái vị thành niên hiện vẫn đối mặt với nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, bị lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm trùng cơ quan sinh sản. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm trùng cơ quan sinh sản được ước tính là trên 50% ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (15-49 tuổi). Việc trẻ em trai thiếu kiến thức về quản lý kinh nguyệt nên chưa hiểu và chia sẻ những khó khăn mà các trẻ em gái gặp phải trong kỳ kinh nguyệt, góp phần vào những quan niệm sai lầm, những điều cấm kỵ, kỳ thị hoặc có thái độ, cư xử chưa đúng mực, khiến cho các trẻ em gái xấu hổ và mất tự tin về những điều tế nhị, khó chia sẻ.
Phát biểu tại chương trình, bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: Nhận thức rõ sự cấp thiết của vấn đề, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng với sự hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức quốc tế, đã không ngừng nỗ lực thực hiện các chương trình nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh cho phụ nữ và trẻ em gái, từ thành thị tới nông thôn. Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam tin rằng, mỗi bước tiến nhỏ trong việc cải thiện vệ sinh kinh nguyệt cũng chính là bước tiến về phía xã hội công bằng và tiến bộ hơn. Sự kiện hôm nay không chỉ là dịp để chúng ta chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, mà còn là cơ hội để mỗi người chúng ta cam kết hành động, góp phần xây dựng môi trường học đường và cộng đồng thân thiện, sạch sẽ và an toàn, nơi mà vấn đề vệ sinh kinh nguyệt được cởi mở thảo luận và giải quyết hiệu quả.
Thông qua chương trình, lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam mong muốn cộng đồng xã hội và các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, học sinh loại bỏ định kiến xung quanh vấn đề kinh nguyệt vì đây là vấn đề sinh lý bình thường của tất cả phụ nữ. Thầy cô và học sinh trong nhà trường nên thường xuyên trao đổi về các khó khăn của học sinh nữ, chú trọng xây dựng và cải tạo, mở rộng nhà vệ sinh, các điều kiện cơ sở đảm bảo vệ sinh cho các em trong các trường học (như: cung cấp nước rửa tay, xà phòng, giấy vệ sinh cho học sinh), đặc biệt chú ý khu vực nhà vệ sinh nữ, tạo môi trường thân thiện cho các em học sinh nữ trong thời kỳ vệ sinh kinh nguyệt tại trường. Khuyến khích phụ nữ và các em học sinh chủ động học tập, nâng cao năng lực, trình độ, trang bị kiến thức, kỹ năng để chủ động quản lý vệ sinh kinh nguyệt, quản lý sức khỏe của bản thân mình một cách khoa học và hiệu quả để các em gái vị thành niên sống trong không gian đô thị và cộng đồng dân tộc thiểu số, nhất là ở các vùng nông thôn có thể tự tin vượt qua “kỳ nguyệt san” của mình một cách an toàn và thoải mái, đồng thời tự tin đưa ra những quyết định liên quan đến sức khoẻ sinh sản một cách sáng suốt, cha mẹ hãy là người đồng hành, chia sẻ, hướng dẫn con gái các kỹ năng vệ sinh kinh nguyệt, sức khoẻ sinh sản cho tuổi vị thành niên.
Để thành công trong mục tiêu này, lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam kêu gọi mỗi người, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức, cộng đồng xã hội, nam giới (trẻ em nam) hãy chung tay, đồng lòng, chia sẻ, hỗ trợ thực hiện các hoạt động hướng đến cải thiện điều kiện vệ sinh kinh nguyệt cho phụ nữ và trẻ em gái, từ đó góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Hãy cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi, phá bỏ rào cản và xây dựng một tương lai mà ở đó, kinh nguyệt không còn là trở ngại cho bất kỳ ai. “Hãy biến những điều khó nói thành điều bình thường”.
Bà Lesley Millier, Phó Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc Unicef phát biểu.
Ngày vệ sinh kinh nguyệt thế giới được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 28 tháng 5 năm 2014, nhằm nâng cao nhận thức và phá bỏ những định kiến liên quan đến kinh nguyệt trên toàn cầu. Sáng kiến này được tổ chức bởi Tổ chức phi chính phủ WASH United phát động và lấy ngày 28/5 hàng năm là ngày kinh nguyệt thế giới.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Phương, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, giảng viên Trường Đại học Y Hải Phòng cung cấp thông tin.
Tại chương trình, các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh được chia sẻ thêm kiến thức về những vấn đề cơ bản nhất của việc quản lý vệ sinh kinh nguyệt của phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là việc quản lý kinh nguyệt trong trường học; tìm hiểu về sức khỏe vệ sinh kinh nguyệt qua các câu hỏi “Thử tài khán giả”.
Nhân dịp này, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng 20 suất quà cho 20 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Hải Phòng, mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng tiền mặt và 1 túi quà của nhãn hàng Nestle trị giá 275.000đ, tổng giá trị 25,5 triệu đồng.