NỮ NHÀ GIÁO SAY MÊ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

 

NỮ NHÀ GIÁO SAY MÊ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

 

     

 

Sinh năm 1979, trong một gia đình có bố mẹ đều công tác tại Cảng Hải Phòng nên từ khi học THPT, TS. Trần Thị Thanh Vân, Phó viện trưởng Viện Cơ khí kiêm phụ trách bộ môn Công nghệ vật liệu, Trường đại học Hàng hải Việt Nam được định hướng tiếp nối truyền thống gia đình. Năm 1997, chị trở thành sinh viên chuyên ngành Máy xếp dỡ thuộc Viện Cơ khí của trường đại học hàng hải Việt Nam. Những kiến thức chuyên ngành cơ khí vốn chỉ dành cho “cánh mày râu” tưởng rằng sẽ làm khó cô sinh viên năm nhất nhưng không, chị dần bị thu hút bởi những bản vẽ kỹ thuật cơ khí phức tạp, những chi tiết máy có độ khó cao. Không ngừng học hỏi, phấn đấu, kiến thức nào chưa rõ, chưa hiểu, chị mạnh dạn hỏi thầy cô, bạn bè rồi dành nhiều thời gian đào sâu tìm hiểu, nghiên cứu để tìm ra lời giải.

Với tinh thần cầu tiến, chịu khó, chỉn chu trong quá trình học tập, các thầy cô trong viện nhận ra tiềm năng nghiên cứu khoa học ở nữ sinh viên Thanh Vân. Bước sang năm thứ 3 đại học, chị được lựa chọn vào nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học, bắt đầu bước chân vào con đường khoa học. Dưới sự hướng dẫn, dìu dắt của các giảng viên trong viện, chị bảo vệ luận án tốt nghiệp với điểm 10 xuất sắc, nằm trong nhóm sinh viên có điểm tốt nghiệp cao nhất năm ấy.

Sẵn niềm yêu thích khoa học, chị Trần Thị Thanh Vân nghe theo tiếng gọi trái tim khi trở thành giảng viên Viện Cơ khí theo lời đề nghị của nhà trường mà không tiếp nối nghề truyền thống gia đình. Chị bộc bạch: “Nếu lựa chọn lại, tôi vẫn chọn theo con đường nghiên cứu khoa học và giảng dạy, bởi công việc luôn mang đến cho tôi sự hứng khởi, đam mê. Được sống với đam mê đó là hạnh phúc”. Chị trở thành giảng viên chuyên ngành Công nghệ vật liệu, một lĩnh vực mới, khác với những kiến thức được đào tạo trước đó. Tuy nhiên, thử thách mới này không thể làm khó chị.

Trong 4 năm nghiên cứu sinh tiến sĩ, chị dày công nghiên cứu, tính toán được độ bền của vật liệu composite có modul không đồng nhất đẳng hướng theo các phương, từ đó, tìm ra được ưu điểm và hạn chế của loại vật liệu này. Với tính năng ưu việt như độ bền cao, khối lượng nhẹ, có khả năng làm việc trong các môi trường khắc nghiệt, năm 2019, TS Trần Thị Thanh Vân bắt tay thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế tạo thiết bị thoát hiểm khẩn cấp trên tàu biển được làm bằng vật liệu composite thay thế hàng nhập khẩu”. Bình dưỡng khí chịu áp suất cao là chi tiết quan trọng có vai trò quyết định khả năng làm việc của thiết bị thoát hiểm sử dụng trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Ở Việt Nam, việc tính toán các bình chịu áp tròn xoay đang ở giai đoạn đầu nghiên cứu, bình thoát hiểm hình trụ bằng vật liệu composite với công nghệ quấn trắc địa là công nghệ phức tạp nên chỉ phù hợp trong sản xuất đơn lẻ. Từ lý do trên, TS. Trần Thị Thanh Vân thực hiện đề tài nhằm đưa ra giải pháp kết cấu và công nghệ để chế tạo các bình chịu áp bằng composite phục vụ cho thiết bị thoát hiểm khẩn cấp, phù hợp điều kiện Việt Nam. TS. Thanh Vân cho biết, sử dụng vật liệu composite trong chế tạo bình chịu áp sẽ tạo nên thế hệ bình có tính năng vượt trội so với bình kim loại, khối lượng giảm từ 1,5-2,5 lần, tuổi thọ cao và an toàn sử dụng. Nếu đề tài được đầu tư, đưa vào sản xuất hàng loạt sẽ có giá thành thấp hơn từ 15-25% so với bình kim loại.

Đại diện Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố đánh giá cao tính ứng dụng của đề tài, không chỉ ứng dụng thoát hiểm trên tàu biển mà có thể ứng dụng và trang bị cho các tòa nhà, công trình xây dựng phục vụ thoát hiểm và công tác chiến đấu của lực lượng cảnh sát PCCC. Hiện lực lượng tiếp nhận trang thiết bị tương tự từ Nhật, Hàn Quốc, Đức với giá thành cao nên không đủ điều kiện để trang bị cho tất cả cán bộ, chiến sĩ. Đơn vị hy vọng sản phẩm này sớm được sản xuất trong nước, được cơ quan chức năng cấp phép, sản xuất rộng rãi để trang bị cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Với ý nghĩa đó, đề tài đoạt giải ba cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố lần thứ 3, năm 2020-2021.

Từ thành công này, TS. Thanh Vân tiếp tục chế tạo thử nghiệm thành công bình chịu áp bằng vật liệu composite. Đề tài sau đó được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng lao động sáng tạo năm 2022. Để đạt kết quả này, chị Vân mất nhiều thời gian, công sức, chi phí để chế tạo, thử nghiệm sản phẩm. TS. Thanh Vân mong muốn thời gian tới, đề tài được ứng dụng rộng rãi trong thực tế, được đầu tư sản xuất đại trà để trang bị cho lực lượng PCCC, CNCH. Mới đây, đề tài được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố biểu dương tại liên hoan Phụ nữ Hải Phòng tài năng, sáng tạo năm 2023. Gần 20 năm trên con đường nghiên cứu khoa học, chị Vân đã có 8 công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ và cấp trường, 11 công trình khoa học đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế và trong nước.

Dù bận rộn với công tác quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học song TS. Trần Thị Thanh Vân vẫn hoàn thành xuất sắc vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình. Chị sắp xếp hợp lý thời gian vừa bảo đảm công việc vừa chăm sóc gia đình. Nhờ vào sự yêu thương, hỗ trợ từ ông xã nên chị luôn chu toàn mọi việc, được các đồng nghiệp trong viện ngưỡng mộ với kết quả 10 năm liên tục đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” cấp cơ sở; 5 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở; năm 2020-2021 được nhận giấy khen gia đình tiêu biểu cấp trường; năm 2021-2022 được nhận danh hiệu đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…

 

Các tin đã đưa