Về xã Hợp Thành huyện Thủy Nguyên hỏi chị Bùi Thị Luận không chỉ chị em phụ nữ, người dân trong xã mà nhiều cán bộ các địa phương khác đều biết đến chị, một Chủ tịch Hội giản dị, chan hòa, trách nhiệm với công việc.
Nguyên là cán bộ Đoàn thanh niên, tháng 2/2001 chị chuyển sang làm công tác phụ nữ, tại Đại hội đại biểu phụ nữ xã nhiệm kỳ 2001– 2006 chị được chị em tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội. Trước mắt, tân Chủ tịch Hội phụ nữ là bao khó khăn chồng chất. Công tác phụ nữ đâu chỉ có bề nổi mà phải là sự kết hợp hài hòa giữa điểm và diện, giữa bề nổi và chiều sâu; đối tượng phụ nữ đâu chỉ giới hạn trong một độ tuổi quy định, nó phong phú, đa dạng, quy tụ mọi giai tầng phụ nữ từ 18 tuổi trở lên với trình độ, nhận thức khác nhau. Ngân hàng nông nghiệp huyện “cấm vận” vốn vì có 6 hội viên phụ nữ nợ quá hạn 12 triệu đồng không tất toán được món vay. Tỷ lệ thu hút hội viên chỉ đạt 60%, phong trào phụ nữ và kết quả công tác Hội của xã đạt kết quả chưa cao. Với tư chất thông minh, tác phong nhanh nhẹn, phương pháp làm việc khoa học và cách xử lý vấn đề linh hoạt cộng với lòng nhiệt tình trách nhiệm chị đã tháo gỡ dần những khó khăn vực dậy phong trào phụ nữ của xã.Trước tiên chị vận động cán bộ, hội viên đóng góp để hoàn trả vốn, thiết lập lại quan hệ với Ngân hàng, chỉ đạo các chi, tổ phụ nữ khảo sát các gia đình thuộc diện hộ nghèo có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế. Sau khi hoàn trả món nợ 12 triệu đồng, Ngân hàng đã giải ngân vốn vay cho hội viên phụ nữ gần 300.000.000 đồng. Hiện nay số dư nợ của Hội phụ nữ xã tại các ngân hàng lên tới 6,2 tỷ đồng. Năm năm qua chị cùng BCH Hội phụ nữ xã đã vận động được 308 lượt chị em giúp đỡ 352 lượt chị em có hoàn cảnh khó khăn, giúp thoát nghèo 15 chị, xây dựng 02 mái ấm tình thương với số tiền 55 triệu đồng.
Năm 2012, trong lúc Hội Phụ nữ cơ sở trong toàn thành phố bắt đầu triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục phẩm chất đạo đức Phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH- HĐH, chị Luận trăn trở làm thế nào để “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang” không đơn thuần là những khái niệm lý thuyết suông mà trở thành gần gũi, thân quen với mỗi người phụ nữ, làm thế nào để mỗi phẩm chất tốt đẹp đó được toát lên trong từng hành động của mỗi con người? CLB “Phụ nữ trồng rau an toàn – Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang” xã Hợp Thành đã được ra đời từ chính những tâm tư, băn khoăn ấy của “người cán bộ cơ sở” khi triển khai thực hiện đề án 343 "Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” vào thực tiễn đời sống của hội viên, phụ nữ xã nhà. Mục tiêu trọng tâm của mô hình là xây dựng người phụ nữ luôn tuân thủ pháp luật, tuân thủ các chuẩn mực giá trị đạo đức, biết vươn lên khẳng định mình, góp phần gìn giữ và phát huy những phẩm chất đạo đức và truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước, rèn luyên 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng- Trung hậu - Đảm đang” vận dụng trong việc sản xuất rau màu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cùng xây dựng cuộc sống lành mạnh, không ô nhiễm môi trường, góp phần đảm bảo sức khỏe cộng đồng, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Năm 2013, Trung ương Hội LHPN Việt Nam về thăm mô hình, đánh giá cao hiệu quả mô hình bởi các năng suất cao, mặt hàng nông sản có giá trị thương phẩm cao, đảm bảo các chỉ số của tiêu chuẩn Vietgap, có thị trường tiêu thụ ổn định. TW Hội đã công nhận mô hình là Tổ hợp tác Trồng rau an toàn. Tháng 8/2013 Hội LHPN xã nhân rộng thêm 01 mô hình tại 03 chi hội đã đi vào hoạt động và đã có hiệu quả nhất định. Mức thu nhập bình quân của thành viên từ việc trồng rau là 2.500.000đ/tháng ...
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập” các chị còn tập trung vào công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nâng cao trình độ nâng lực mọi mặt cho phụ nữ. Các hình thức tuyên truyền được các chị sân khấu hóa, đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ công tác Hội, các bộ Luật như Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật hôn nhân gia đình…các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kiến thức xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” tới 90% hội viên tham dự.
Có thể nói từng phong trào phụ nữ xã đều mang “dấu ấn” của chị. Bước chân chị đã thành quen với từng ngõ xóm, căn nhà hội viên, phụ nữ nghèo, đơn thân hay tàn tật, gia đình trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, trẻ em dễ bị tổn thương...để kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên. Chính sự tích cực, gần gũi, chân tình, làm mọi cách để giúp dân, đem quyền lợi cho dân nhiều nhất của chị Luận mà nhiều chị em đã viết đơn xin vào Hội. Đến nay, Hội phụ nữ xã Hợp Thành đã có 1.840 hội viên (đạt tỷ lệ thu hút 91%). Với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN, chị đã mang đến 1 diện mạo mới cho phong trào Hội LHPN xã. Điều đó được khẳng định bằng việc 10 năm liền Hội PN xã là đơn vị xuất sắc đứng trong tốp đầu thành phố. Chị Luận vinh dự nhận giải thưởng Lê Chân năm 2013.
Năm 2005, chị thực hiện thiên chức làm vợ, thấu hiểu và cảm thông với những khó khăn của người đàn ông hiền lành, chất phác, nuôi con đỏ và chăm sóc cha mẹ già gần 80 tuổi chị đã đem lòng yêu anh, rồi một ngày trời đất đã se duyên cho anh chị. Căn nhà nhỏ ấy lúc nào cũng rộn rã tiếng cười, ngập tràn niềm hạnh phúc. Chồng chị dù công việc kinh doanh bộn bề nhưng tối tối vẫn “làm xe ôm” chở vợ đi họp, đi dự sinh hoạt Câu lạc bộ, đi thăm gia đình hội viên. Lúc thì lại giúp chị đánh văn bản, hay là hộ vợ bộ quần áo để chị đi họp, sáng dậy sớm cùng vợ nấu ăn…. Tuy không sinh cho chồng được những đứa con nhưng chị vẫn thực hiện tốt thiên chức làm mẹ, nuôi dạy, chăm sóc con chồng mạnh khỏe, chăm ngoan, hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ già. Chị nói “không gì vui hơn khi thấy chồng tôi cười, con tôi đi học về sà vào lòng, hôn mẹ và nũng nịu khoe con được điểm giỏi. Hạnh phúc của tôi bình dị nhưng ngọt ngào lắm”
Trong một bản nhạc thường có nốt trầm và nốt bổng, nốt trầm tạo độ lắng, nốt bổng tạo độ vang xa.Với bản nhạc của Hội phụ nữ xã cũng như bản tình ca gia đình chị Luận vừa là nốt bổng, nốt trầm của hai cung đàn trong trẻo ấy!
Minh Châu